Canh cua có công dụng tuyệt vời cho sức khỏe do có chứa nhiều kẽm, canxi và protein. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, không phải ai ăn canh cua cũng tốt.
Người hay bị rối loạn tiêu hóa không nên ăn cua
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chỉ ra những người mắc các bệnh sau không nên ăn canh cua.
Người bị dị ứng
Với những người hay bị dị ứng với các loại cua không nên ăn để tránh dị ứng tái phát.
Người hay bị rối loạn tiêu hóa
Các cua có nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là đạm, canxi vì vậy nếu chúng ta ăn quá nhiều một lúc dễ gây ra tình trạng tiêu chảy.
Sở dĩ, người ăn canh cua hay bị rối loạn tiêu hóa vì cua chứa nhiều chất đạm, gây sức ép cho hệ vi sinh vật đường ruột, các lợi khuẩn bị quá tải không tiết đủ enzym để tiêu hóa và hấp thu hết các chất đạm.
Những người tay chân lạnh
Những người tay chân lạnh, sợ lạnh, hay bị cảm mạo phong hàn, sắc mặt nhợt nhạt, dễ đổ mồ hôi ban ngày, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện nát…cũng không nên ăn canh cua vì bản thân cua có tính hàn. Nếu ăn sẽ không tốt cho sức khỏe.
Người mắc bệnh gout
Những người bị bệnh gout nên hạn chế ăn nhiều canh cua đặc biệt là sò, lươn, ốc ếch…bởi trong những loại thực phẩm này có chứa nhiều purine và chúng dễ dàng chuyển thành axit uric ứ đọng trong các mô mềm và khớp.
Nếu ăn quá nhiều canh cua sẽ bị đau nhức liên hồi và cực kỳ khó chịu, do đó người mắc bệnh gút nên hạn chế ăn canh cua để hạn chế các triệu chứng bệnh.
Người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp
Trong gạch cua có chứa nhiều cholesterol, trong 100 gam thịt cua cũng có đến 125mg% cholesterol nên người huyết áp cao, mắc bệnh tim mạch cần hạn chế ăn cua.
Người có tiền sử cao huyết áp và tim mạch cũng không nên ăn cua đồng vì cua đồng càng béo ngậy thì hàm lượng chất béo trong cua càng cao.
Việc ăn nhiều cua đồng sẽ khiến cholesterol trong máu tăng cao. Dù không ảnh hưởng trực tiếp nhưng quá trình tích tụ cholesterol lâu dài sẽ khiến bệnh chuyển biến nặng.