Có rất nhiều các vị thuốc trong y học cổ truyền có nguồn gốc thảo mộc, trong đó nổi bật nhất là các loại sâm cùng nhiều vị thuốc quý khác. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ chỉ có thể tìm hiểu một số vị thuốc đông y có nguồn gốc thảo dược, các bạn có thể tìm hiểu thêm những vị thuốc khác trong các bài viết tiếp theo cũng trên website này.
Nhân sâm Việt Nam
Còn được gọi với tên phổ biến hơn là sâm K5, sâm Ngọc Linh thuộc họ nhân sâm Araliaceae. Loài sâm này được mọc nhiều tại dãy núi Ngọc Linh và được đánh giá rất cao về tác dụng dược lý. Sâm Ngọc Linh là cây thân thảo, cao đến 1m, thân rễ mập có đường kính đến 3,5cm, cây không có rễ phụ, đôi khi tìm thấy ở một số cây có củ ở phần cuối thân rễ đường kính tới 5cm. Sâm Ngọc Linh sống nhiều năm và theo quan niệm, càng lâu năm thì sâm càng chất lượng.
Phân tích trong nhân sâm Việt Nam thấy được có 12 hợp chất saponin, đặc biệt damaran saponin kiểu ocotillol chỉ có trong sâm Ngọc Linh mà ngay cả nhân sâm Triều Tiên cũng không có. Ngoài ra thì còn có các polyacetylen, axit béo, axit amin, gluxit, tinh dầu và các yếu tố vi lượng khác. Sâm Ngọc Linh có nhiều tác dụng như tiêu trừ mệt mỏi, tốt cho các chức năng của cơ thể và phòng ngừa ung thư.
Huyền sâm
Huyền sâm còn có tên gọi khác là hắc sâm, nguyên sâm là rễ phơi hay sấy khô của cây bắc huyền sâm. Đây là loại cây cỏ cao 1,5 – 2m. Thân vuông, màu xanh có rãnh dọc, lá hình trứng, đầu nhọn, mọc đối chữ thập, mép lá có răng cưa nhỏ. Hoa hình ống hơi phình ở giữa, mọc thành chùm, màu trắng vàng nhạt. Cây huyền sâm chủ yếu mọc ở Trung Quốc nhưng hiện nay cũng đã được di thực để trồng làm thuốc ở nước ta.
Trong huyền sâm có chứa nhiều chất scrophularin, phytosterola, ancaloit, tinh dầu, axit béo, saparagin… có tác dụng đến tim mạch, huyết quản, huyết áp, hệ hô hấp… giúp chống viêm, giảm sốt, nhuận táo, hoạt trường… Tuy nhiên với huyền sâm thì người bị tỳ hư tiết tả không được dùng.
Đinh lăng
Đây là loại thảo dược rất phổ biến ở nước ta, còn có tên gọi khác là cây gỏi cá, nam dương lâm thuộc họ ngũ gia bì. Thường dùng rễ hay vỏ rễ khô của đinh lăng để làm thuốc. Đinh lăng có thân nhỏ, thường cao từ 0,8 – 1,5 m, có những cây trồng lâu năm có thể cao lớn hơn, lá kép 3 lần xẻ lông chim, cụm hoa hình trùy, quả dẹt.
Trong đinh lăng có chứa nhiều các hợp chất alcaloit, glucozit, saponin, flavonoid, tannin, vitamin B, các axit amin… Đinh lăng có tác dụng tăng sức dẻo dai của cơ thể, giúp trị ho, ho ra máu, thông tiểu, thông sữa, chữa kiết lỵ…
Nấm linh chi
Thuộc họ nấm gỗ Ganodermataceae, nấm linh chi còn có tên gọi khác như linh chi thảo, nấm trường thọ, nấm lim. Loại nấm này đã được chế làm thuốc trong y học cổ truyền cách đây tới 2000 năm trước. Nấm linh chi có mũ nấm dạng hình thận, hình tròn hay hình quạt, cuống thường không cắm ở giữa mũ nấm mà cắm lệch sang một phía. Nấm linh chi có màu khác nhau tùy theo loài, thường có các màu nâu, đỏ vàng, đỏ cam.
Linh chi mọc hoang dại tại các vùng cao lạnh ở các tỉnh Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc. Thực tế nấm linh chi có nhiều loại khác nhau, nhiều loại có hàm lượng germanium còn cao hơn cả trong nhân sâm. Thanh chi giúp sáng mắt, bổ can khí, an thần, chữa viêm gan. Hồng chi tăng trí nhớ, chữa bệnh về huyết, thần kinh. Hoàng chi tăng cường hệ miễn dịch…
Đông trùng hạ thảo
Còn gọi là trùng thảo, thực tế là một loại nấm thảo dược chứ không phải là động vật. Đông trùng hạ thảo có phần con sâu và phần nấm nhưng phần sâu chỉ là vât chủ ký sinh của loài nấm trùng thảo. Nấm và sâu hợp sinh với nhau, mùa đông nấm ký sinh trong thân con sâu ký sinh hút chất dinh dưỡng trong thân sâu làm sâu chết, mùa hè đến nấm mới moc chồi ra khỏi mặt đất.
Đông trùng hạ thảo mọc nhiều tại Tây Tạng, Vân Nam, Tứ Xuyên của Trung Quốc tại các vùng núi cao, tuy nhiên hiện nay số lượng cũng suy giảm đáng kể. Trên thị trường hiện nay có cả các sản phẩm đông trùng hạ thảo nuôi cấy nhân tạo trong các phòng thí nghiệm với chất lượng không thua kém tự nhiên là bao nhiêu. Đông trùng hạ thảo là vị thuốc bổ giúp chữa thần kinh suy nhược, ho, ho lao, giúp bổ tinh khí, chữa đau lưng, bổ thận.